Năm 1995, NSND Lê Dung có chuyến lưu diễn Châu Âu và dừng chân tại Paris. Tại đây, NS Lê Dung đã gặp gỡ và trò chuyện với nữ nhạc sĩ Việt kiều Pháp Lê Khắc Thanh Hoài - người đã bỏ rất nhiều công sức tìm kiếm một giọng ca cho hơn 300 ca khúc mình sáng tác trong suốt 25 năm xa quê hương.
Đó quả là một mối duyên kỳ ngộ giữa hai người phụ nữ tài năng, sống cách nhau nửa vòng trái đất, họ đã tìm được sự đồng cảm và mối liên hệ thực sự qua nốt nhạc, tiếng đàn. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, sau khi đọc bản thảo các bài hát của nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài, ca sĩ Lê Dung đã nói "Chị hãy để dành những ca khúc của chị cho Lê Dung hát. Chị cẩn thận nhé, không phải ai cũng có thể hát được đâu...". Những lời nói đó khiến nhạc sĩ Thanh Hoài vô cùng cảm động. Quả thật, đã nhiều năm, nhạc sĩ dành thời gian nghe ngóng, tìm kiếm một giọng ca cho riêng ca khúc của mình trên đất Pháp và Mỹ, nhưng vẫn chưa thành công. "Còn gì tuyệt vời hơn khi người sáng tác tìm được một giọng ca đúng ý để thể hiện những đứa con tinh thần của mình. Các ca khúc của tôi thường được viết với quãng rất rộng, đến hai bát âm, do đó rất ít các ca sĩ chịu hát và có thể hát. Nhưng với giọng ca hiếm có, đầy sức truyền cảm, cao vút, trong veo nhưng lại có thể xuống rất trầm của Lê Dung thì mọi thứ thật dễ dàng". Và kết quả của cuộc gặp gỡ mà nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài thường nói đến như một mối duyên tiền định ấy là CD Tình khúc Lê Khắc Thanh Hoài gồm 10 ca khúc qua tiếng hát Lê Dung được thực hiện.
Đã 13 năm kể từ ngày gặp Lê Dung trên đất Pháp nhưng nhạc sĩ Thanh Hoài vẫn còn nhớ rất rõ những kỷ niệm đẹp đẽ với người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy. "Đó là một buổi chiều mùa đông Paris, tôi lái xe đưa Lê Dung đến studio thu thanh ở ngoại ô Paris. Suốt cả quãng đường, Lê Dung rất yên lặng, không muốn nói chuyện, dường như muốn dồn hết tâm trí vào các bài hát. Thú thực tôi cũng hơi run nên lái xe im ru, không dám nói câu gì" - nhạc sĩ Thanh Hoài bồi hồi nhớ lại. Nhưng đến phòng thu, Lê Dung nhanh chóng trở lại dáng vẻ hoạt bát của một nghệ sĩ có quyền năng với những nốt nhạc, bằng một thái độ làm việc nghiêm túc và những cảm nhận tuyệt vời của tâm hồn dễ rung cảm, 10 tình khúc – 10 tiếng lòng của nhạc sĩ Thanh Hoài, cứ thế vang lên hoàn chỉnh và ngọt ngào. Sau buổi thu thanh, hai người còn có một vài buổi gặp mặt với bạn bè và giới văn nghệ sĩ tại Pháp, và tại đó, 2 khúc tình ca "Mắt là thuyền đưa" và "Thôi xin từ giã" do ca sĩ Lê Dung thể hiện, nhạc sĩ Thanh Hoài đệm piano đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, tán thưởng.
Thế nhưng sau lần gặp gỡ để lại nhiều kỷ niệm ấy, nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài quyết định ngưng mọi hoạt động âm nhạc trong suốt 10 năm, một phần do chuyện đời tư không được "xuôi chèo mát mái", một phần bởi "một nghệ sĩ ở hải ngoại giống như cánh chim lạc đàn, không có môi trường sáng tác, không có đất lành để đậu". 10 năm im lặng, 10 năm tìm đến với những triết lý nhân quả của Phật giáo như một nơi trú ẩn bình an cho tâm hồn, nhưng mối duyên với âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Hoài chưa thể dứt. Với sự động viên của bạn bè trong giới nghệ sĩ cũng như niềm thôi thúc về "trách nhiệm với những đứa con tinh thần dứt ruột sinh ra", năm 2005, nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài đã trở lại, khởi đầu với website "Hát cho đời thêm hân hoan" trên mạng internet. Và từ đó, 10 ca khúc thu thanh với NSND Lê Dung được phổ biến và đón nhận tình cảm của rất nhiều người Việt Nam xa quê hương trên khắp thế giới. Nhạc sĩ Thanh Hoài đã đau đáu trong lòng muốn đưa CD Tình khúc qua tiếng hát của cố nghệ sĩ nhân dân Lê Dung về với khán thính giả yêu nhạc trong nước nhưng đó cũng là một chặng đường dài và không ít gian nan.
Và tháng 7 năm 2008, tại phòng trà ATB – TP.HCM và Câu lạc bộ Âm nhạc 65 C Trần Quốc Toản, Hà Nội, lần đầu tiên khán giả yêu thích tiếng hát của ca sĩ Lê Dung được thưởng thức trọn vẹn 10 tình khúc thu âm cách đây 13 năm và giao lưu gặp gỡ với nữ nhạc sĩ của những bản tình ca Lê Khắc Thanh Hoài. Không phải chờ đợi quá lâu, khán thính giả yêu nhạc sẽ sớm có được những trải nghiệm thú vị với CD "Đời em là dòng sông" - dự tính phát hành đầu năm 2009 - gồm 11 sáng tác của nhạc sĩ Thanh Hoài, qua giọng ca Mỹ Lệ, Hằng Nga, Phương Anh, Lan Anh. Nữ nhạc sĩ chia sẻ: "Sau nhiều năm xa quê hương, tôi trở lại Việt Nam lần này, bên cạnh việc giới thiệu CD tiếng hát Lê Dung thu âm tại Pháp chưa từng được công bố, tôi mong muốn được đưa dòng nhạc của mình, những sáng tác của mình đến với khán giả trong nước. Tôi hi vọng khán giả sẽ ủng hộ và đón nhận nhạc của Lê Khắc Thanh Hoài".
Diệp Linh