Trước khi bàn đến Số Mệnh thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu rõ riêng từng chữ, Số là gì và Mệnh là gì ?
Chữ Số, đứng riêng một mình, nó có thể hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất giản dị là con số, hay chữ số, dấu hiệu được đặt ra để biểu thị cho cái lượng, cái gì có thể tính, đếm, đo, cân. Các con số này có thể cộng trừ nhân chia với nhau. Nghĩa là con số có thể thêm, bớt, tăng, giảm. Con số còn có thể là chẳn lẻ, dư thừa, số dương, số âm, con số nguyên hay phân số, nghịch hay đảo, số thực hay phóng đại, số trung bình hay số vô tỉ…
Mới nhìn thoáng qua thì chúng ta không thấy mối liên hệ gì giữa chữ Số, theo nghĩa thứ nhất này, với chữ Mệnh, đứng bên cạnh nó. Dường như vậy. Chúng ta thử rộng bàn hơn về con số này nhé.
Con người vừa mới mở mắt chào đời với tiếng khóc oe oe, chỉ vừa ló đầu ra khỏi lòng mẹ, cuốn rún vừa được cắt là có người chực sẳn bên bà mụ, mắt dán vào chiếc đồng hồ, hô to những con số : « Đúng năm giờ mười lăm phút sáng !» một người khác vội ghi ngay trên giấy, cộng thêm tên họ, dĩ nhiên là không quên ghi những con số quan trọng khác : ngày, tháng, năm, năm ta lẫn năm tây, nhưng năm ta mới là quan trọng hơn chứ, không thể nhầm lẫn, là Ất dậu, Quí dậu hay Bính dậu, mọi chi tiết đều được ghi chú một cách cẩn trọng, nghiêm túc. Bởi vì những con số này sẽ là bằng chứng của sự có mặt của con người trên mặt đất, sẽ được hiện rõ ràng minh bạch trên tờ Khai Sanh cũng như trên tấm Lá Số Tử Vi, vén mở trước cho thấy hành trình mà con người sẽ bước qua.
Giờ phút linh thiêng đã điểm. Đúng, một con người vừa mới ra đời. Một động vật hai chân nhưng là loài thông minh và đáng nể trọng nhất trên quả đất này. Đúng, hai chân và đứng thẳng, có thể ngẩng đầu lên cao giữa đất trời thì chỉ có loài người. Đầu đội trời, chân đạp đất thì chỉ có loài người. Các loài khác, tuy nhiều chân hơn nhưng lại luôn cúi rạp đầu xuống đất, ở nơi chỗ dơ dáy và không thể có khối óc như con người. Con người xứng đáng tự xưng mình là chúa tể của mọi loại trên trái đất, dù tự cho mình là con trời hay chỉ ỷ vào sức mạnh của bạo lực, của quyền uy, của tài sản vật chất, của gươm đao, súng ống, với phương tiện nào cũng được, cậy quyền, cậy thế hay cậy sức, con người có thể vỗ ngực tự xưng và đương nhiên được coi là hơn hết, trên hết mọi loài khác. Không những thế, cùng đồng loại, đồng chủng, con người cũng có thể xưng hùng xưng bá, cho mình là bậc nhất để đàn áp, diệt chủng, cướp đoạt lãnh thổ, thâu nạp nô lệ…Và con người đã làm như thế.
Con người dù có mạnh như Hercule, chỉ cần dùng sức mạnh của hai tay để hạ đối thủ, giết chết quái vật, nhưng may thay, con người cũng biết giới hạn của mình. Đứng trước thiên nhiên, mưa dầm, bão tố, sóng cao, gió lớn, hạn hán, núi lửa, lụt lội, động đất… thì con người bó tay. Cũng như bó tay trước cái chết của chính bản thân mình.
Con người thôi kiêu căng và cúi đầu tuân thủ bậc Trời, hay Thượng đế là cha sinh ra loài người. Điều này có những ưu điểm, đem lại trật tự, kỷ cương cho xã hội, con người biết sợ hãi khi làm điều ác, vì sẽ bị trừng phạt gắt gao, địa ngục luôn mở cửa để lùa kẻ ác vào, và con người sẽ siêng năng làm thiện vì Thiên đường cũng luôn mở cửa để đón tiếp kẻ thiện tâm.
Nhưng rồi con người cũng đi quá trớn và lạm dụng danh nghĩa để làm những điều sai trái, không hợp đạo lý, không thuận theo ý Trời hay Thượng đế nữa. Đó là lỗi của con người, không phải lỗi của Trời hay Thượng đế.
Trở lại với con Số. Như vậy là vừa mới mở mắt chào đời, con người đã mang vào mình một hàng số. Hàng số này mà về sau, con người nhớ mãi để mỗi năm thì ăn mừng. Mừng Sinh Nhật. Mừng cái ngày mình, một con người, có mặt trên cõi đất này. Vui cái đã ! Suy nghĩ mông lung xa vời thì chẳng cần biết tới. Đơn giản quá ! Sự thật là như vậy. Đùng một cái, con người bỗng thấy mình có mặt trên trái đất và phải đi cho hết cuộc đời còn lại mà cũng chưa chắc tìm ra câu trả lời vì sao, vì đâu tôi lại có mặt trên cõi đời này ! Trách gì, tấm bé thì đâu biết gì mà suy với nghĩ, chỉ biết vui chơi, ngày Sinh Nhật thì được quà cáp, đồ chơi ai mà không thích. Nhưng lớn rồi thì cũng có khác đâu, tiệc tùng ăn uống thỏa thích cho cái ngày Sinh Nhật, chuyện gì mà bận rộn trí óc cho mệt cái thân. Chỉ có mấy ông triết gia lẩm cẩm dư thì giờ ngồi vuốt râu, bứt tóc bứt tai suy nghĩ chuyện không đâu!
Mỗi năm, con số của cái ngày trọng đại này, ngày Sinh Nhật, không thay đổi nhưng cái số tuổi thì « leo thang » vùn vụt với năm tháng trôi qua, với thời gian. Từ một đứa bé lưa thưa vài sợi tóc, cho đến một ông già bà lão tóc bạc phủ trắng đầu. Và rồi con số cuối cùng sẽ đến nằm gọn gàng bên cạnh cái con số của ngày Sinh Nhật. Con Số của cái ngày Tạ Thế. Cái ngày mà con người từ biệt cõi thế, lìa đời, mạng chung. Dù muốn dù không cũng phải giã biệt. Đó là định luật ngàn thu.
Dù thông minh cách mấy con người vẫn chưa lật ngược được định luật này. Chỉ còn biết chấp nhận.
Như vậy là con số đầu và số đuôi đã nối nhau. Những con số của tờ Khai Sanh sẽ được bổ túc thêm với những con số của tờ Khai Tử.
Nhưng chặng giữa của đời người thì không thiếu nhưng con số.
Thử tìm những con số này qua miệng của dân gian, trong các sinh hoạt thông thường, qua những câu ca dao còn mãi với thời gian hay qua thi ca của nước Việt chúng ta.
Gần gũi nhất là những con số mà chúng ta thân quen, là anh, là chị, là em trong gia đình : anh Hai, chị Ba, anh Tư, em Sáu, em Bảy và rồi đương nhiên là có dì Năm, dượng Sáu, cô Tám…người miền Nam nước ta thì hay dùng các con số thứ tự trước sau để gọi con cái. Cái con số nó gắn liền với con người đơn sơ, giản dị và dễ thương như vậy.
Trong văn học, con số một trăm dưòng như quá rõ ràng để chỉ độ dài của đời người, thường được tìm thấy nơi các vần thơ của cụ Nguyễn Du :
Trăm năm trong cõi người ta (1)
Kiếp phong trần trăm năm thân thế
Khắp bờ sông bãi bể lang thang. (2)
Hoa đẹp không trăm ngày
Người sống không trăm tuổi. (3)
Và khi dân gian muốn ám chỉ những ai hay những gì mà miệng người đời rêu rao, bêu xấu, cảnh giác con người nên thận trọng :
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ (4)
Với cảnh vật thiên nhiên mà con người rất hiểu, rất am tường :
Trăm hoa đua nở tháng giêng
Có bông hoa cải nở riêng tháng mười. (5)
…
Mạ chiêm ba tháng chưa già
Mạ mùa tháng rưỡi ắt là chẳng non (6)
…
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối. (7)
Những ngày tháng không thể quên, và con người cùng nhắc nhở nhau :
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.(8)
…
Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười. (9)
…
Ấy ngày mồng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây. (10)
Nhắc đến Hà Nội với Ba Mươi Sáu phố phường :
Cố đô rồi lại Tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố chẳng rành chẳng sai.(11)
Nhà nông chất phát mà biết lo toan :
Mồng chín tháng chín có mưa
Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mồng chín tháng chín không mưa
Thì con bán cả cày bừa đi buôn. (12)
Một con số khác, để nói đến phận gái long đong :
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước, biết gửi mình vào đâu ? (13)
Hay nói đến tình yêu bạc bẽo :
Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. ( 14)
Và cầu mong bạn đời chung thủy với mình :
Muối mặn ba năm muối hãy còn mặn
Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi đừng thay. (15)
Nhưng trước khi thành đạo phu thê thì thử thách cũng khó lắm cho chàng trai :
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh.
Anh về sắm nhiễu Nghi Đình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung.
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng cuội, râu cằm thiên lôi.
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.
Thách thế mới thỏa tấm lòng
Chàng mà lo được thiếp thời theo chân. (16)
Cưới cô gái nhà nghèo mà xem ra tình tứ, dễ thương hơn một bực :
Cưới em có cánh con gà
Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi
Cưới em còn nữa anh ơi
Có một dĩa đậu, hai môi rau cần
Có xa dịch lại cho gần
Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi
Hay là nặng lắm anh ơi !
Để em bớt lại một môi rau cần. (17)
Cũng qua dân gian mà chúng ta biết được vai trò của người con trai trưởng :
Bốn con ngồi bốn chân giường
Mẹ ơi, mẹ hỡi, mẹ thương con nào ?
Mẹ thương con bé mẹ thay,
Thương thì thương vậy, chẳng tầy trưởng nam
Trưởng nam nào có gì đâu
Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam.(18)
Và học thêm được tập tục của việc để tang :
Chồng cô, vợ cậu, chồng dì
Trong ba người ấy chết thì không tang.(19)
…
Láng giềng còn để ba ngày
Chồng cô vợ cậu, nửa ngày cũng không .(20)
Tự thuở nào, nàng dâu thì sợ mụ o :
Một trăm ông chú không lo
Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm(21)
Và nỗi lòng nàng dâu được tỏ bày :
Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tôi về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối thời về lại nằm không một mình
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, rau chó, loanh quanh đủ trò…(22)
Đó là việc nhà, nhưng việc nước, thời Nam Bắc phân tranh, cũng được nói lên :
Một nhà hai chủ không hòa
Hai vua một nước ắt là không yên. (23)
Đó là trong quá khứ, chúng ta thấy những con số luôn đi theo đời người, qua mọi sinh hoạt dù riêng dù chung.
Ở thời hiện đại, các con số lại càng gia tăng và gắn liền hơn nữa với đời sống. Số nhà, số điện thoại, điện thoại bàn, điện thoại cầm tay, số mật mã phải nhớ nằm lòng để mở cửa vào nhà, bước vào thang máy, mở máy vi tính, tủ két đựng tiền, bất cứ dụng cụ máy móc tối tân nào, hoặc dùng thẻ tín dụng ngân hàng, mà bất cứ ở đâu cũng phải đem theo, từ mua sắm nhỏ nhặt cho đến thanh toán chi tiêu lớn…Đi tới đâu cũng thấy bấm nút, bấm số. Giấy tờ chỗ nào cũng ghi chú nhan nhản điều một, điều hai, điều ba…Số ghi trên vé đi xem hát, xem kịch. Số ghi trên sổ thông hành, chiếu khán, hộ tịch, căn cước, sổ lương, sổ trợ cấp, sổ bảo hiểm, số xe, số giày, số quần áo…Số tiền ghi trên tấm giấy bạc hay tờ ngân phiếu thì không thể sai được, đôi khi phải đọc lui đọc tới vài chục lần vì không thể có nhầm lẫn trong chuyện này được !
Những con số, chao ơi, toàn là những con số !
Chưa kể những con số để chơi loto, đánh cá ngựa, đánh số đề…
Chưa kể những ngày tháng kỵ giỗ người thân.
Chưa kể những cuộc hẹn từ vài tháng trước phải ghi phải nhớ, lỡ quên là lại mất vài ba tháng nữa mới có được một cuộc hẹn mới.
Chưa kể những con số trên chiếc đồng hồ rượt con người chạy…ứ hơi !
Chưa kể những con số phải thuộc nằm lòng, những con số khẩn, cấp cứu, bệnh viện, cứu hỏa, cảnh sát…
Như vậy chúng ta đã thấy là con Số không rời xa con người chút nào, mà theo sát chữ Mệnh đứng sau nó rồi phải không ?
Đó chỉ là mới nói đến nghĩa thứ nhất của chữ Số.
Nghĩa thứ hai của chữ Số thì lại hoàn toàn đồng nghĩa với chữ Mệnh đứng bên cạnh nó. Chữ Số này chỉ làm rõ nghĩa thêm chữ Mệnh mà thôi. Bởi nó chính là Phần Số, Số phận, cuộc đời con người. Mọi người vẫn thường nghe “ số tôi là vậy, tới số rồi, số như vậy, chịu thôi, mỗi người đều có số…” Chính lả chữ Số này trong Số Mệnh.
Số với Mệnh, tuy hai mà một.
Vậy bây giờ chúng ta bàn qua chữ Mệnh này nhé. Nó khá phức tạp rắc rối bởi vì qua nhiều thời đại, con người không ai cùng đồng ý với ai nữa cả khi bàn đến nó.
Mệnh hay Mạng được đặt ra từ khi có cụ Khổng với cái thuyết Thiên mệnh luận hay Thiên đạo. Ông Trời qui định cho mỗi cá nhân một số mệnh, một cuộc đời và chỉ có tuân theo. Sống theo Thiên mệnh hay Thiên đạo cũng là sống đúng với qui tắc thiên nhiên, hợp với thời thế, đạo lý mà Trời đã đặt ra, đó là ý Trời. Thiên tử lại là con trời, mà phản
lại ý vua cũng là phản lại ý trời. Vua bảo chết mà không chết là quan bất trung. Cha mẹ bảo chết mà con không chịu chết là con bất hiếu. Quá ư khắc khe cụ Khổng !
Ngoài Nho giáo ra, còn có các triết thuyết như Túc mệnh luận, Định mệnh luận, quan niệm mỗi con người đều có một số mệnh do quá khứ an bài, xếp đặt, định trước, định sẳn rồi. Mọi cố gắng nổ lực ở hiện tại hầu như vô ích. Gọi đó là Định Mệnh. Không thể thay đổi.
Các triết thuyết này, và cả Nho giáo, tin vào sự chỉ định của Trời, đều mang tính tiêu cực và thụ động. Con người thường xuôi tay, phó mặc cho số mệnh.
Đạo Phật không tin vào số mệnh do một đấng siêu nhiên chỉ định, an bài. Số mệnh này, theo Phật giáo là kết quả tạo từ các đời trước của Nghiệp, hành động có tác ý, chủ ý, chủ động của con người. Và cứ thế, luân hồi triền miên bất tận, con người tự tạo ra cái số mệnh của mình, tự tạo và tự hứng chịu hậu quả của nó. Như vậy thì số mệnh này không bất di bất dịch mà có thể thay đổi tùy theo hành động, theo chiều hướng thiện hay ác của hành động, của sự tạo tác mà cái mệnh theo đó chuyền đổi, vận hành.
Ảnh hưởng từ phương Tây, Thiên chúa giáo là một thần giáo, tin vào Thượng Đế, đấng tạo ra con người, nhưng con người không hoàn toàn mất tự do và lệ thuộc vào Thượng Đế bởi vì con người có quyền lựa chọn hành động của mình. Và hai con đường, thiện hay ác đều có kết quả phù hợp. Thượng Đế không bắt buộc ai phải vào địa ngục hay lên thiên đường, chính hành động của con người lôi kéo con người vào hai đường này. Thượng Đế chỉ sinh ra con người nhưng không hành động thay thế con người. Đó là sự lựa chọn của con ngưòi.
Ở đây, nơi sự tự do lựa chọn và hành động thì Phật Giáo và Thiên chúa giáo gặp nhau.
Chúng ta lại thử tìm qua ca dao, những suy nghĩ về số phận, thân phận con người.
Dù biết cuộc đời có giới hạn, nhưng không vì thế mà sống không xứng đáng, để phải hổ thẹn :
Người đời hữu tử hữu sanh
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.(24)
Cho dù nghèo khó :
Đói cho sạch, rách cho thơm (25)
…
Tốt danh hơn lành áo ( 26)
…
Chết trong còn hơn sống đục (27)
Sống vẫn có đạo lý :
Một câu nhịn, chín câu lành(28)
…
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau. (29)
…
Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức trời dành phúc cho. ( 30 )
…
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người (31)
…
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nuớc sông, nhớ mạch suối (32)
…
Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, hôm sau người cười (33)
…
Nói chín thì làm nên mười
Nói mười làm chín, kẻ cười người chê. (34)
Nhiều không thể kể hết những câu ca dao nói lên cái đạo lý sống hướng thiện của con người. Và chúng ta cũng thấy cái số mệnh đã được an bài, được chấp nhận qua các câu :
Số lao đao phải sao chịu vậy
Tới số ăn mày, bị gậy phải mang. (35)
…
Số giàu tay trắng cũng giàu
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.(36)
…
Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi tới chỗ mô cho giàu. (37)
…
Số giàu đem đến dửng dưng
Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.(38)
…
Con vua rồi lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa.(39)
Mọi người đều đồng ý là ai cũng có một phần số, một số mệnh riêng biệt, không đồng đều, nhưng nó từ đâu đến, sự sai biệt này từ đâu mà có thì chưa ai đồng ý với ai. Người bảo là do Trời, do Thượng đế, người bảo là do Nghiệp. Chuyện này không bao giờ có kết luận và cũng không phải là mục đích của bài viết.
Người viết chỉ muốn nói đến muôn vàn số mệnh khác biệt trên cõi thế. Đôi lúc chỉ vì một quyết định bốc đồng, thiếu chín chắn, một lời nói thiếu suy nghĩ, một hành động vô ý thức hay một cuộc gặp gỡ bất ngờ nào đó mà số mệnh của con người lại thành tựu, vận hành, chuyển hướng, rẽ sang một ngả khác.
Trong đời, không ai không từng thốt lên : “ Giá mà tôi được…Chẳng qua vì…Nếu hôm đó không xảy ra…Nếu chuyện ấy không như thế…”
Hằng hà sa số cảnh đời, số phận cũng chỉ vòng quanh các tính từ vui, buồn, sướng, khồ, giàu, nghèo, hoặc các động từ CÓ và KHÔNG CÓ :
Có vợ đẹp, có con ngoan, không có vợ đẹp, không có con ngoan, có tiền, không có tiền, có chức vị, không có chức vị, có nhà, không có nhà, có tình, không có tình, có sức khoẻ, không có sức khoẻ, có sắc đẹp, không có sắc đẹp, có tài, không có tài…
Và cũng tưong tự, các số phận xoay quanh động từ ĐƯỢC và KHÔNG ĐƯỢC :
Được yêu, không được yêu, đưọc thăng chức, không đưọc thăng chức,
được ưu đãi, không được ưu đãi, được nhàn hạ, không được nhàn hạ, được sống lâu, không được sống lâu, được nổi tiếng, không được nổi tiếng…
Xoay quanh động từ LÀ và KHÔNG LÀ, các số phận này hoặc bằng lòng, thỏa mãn hoặc bất như ý, bất toại nguyện : tôi là luật sư, tôi không là luật sư, tôi là bác sĩ, tôi không là bác sĩ, tôi là doanh nhân, tôi không là doanh nhân, tôi là giáo sư, tôi không là giáo sư, tôi là dân Mỹ, tôi không là dân Mỹ, tôi là người da đen, tôi không là ngưòi da đen…
Cũng thế, các số phận xoay quanh động từ BỊ thì càng không ít : Bị chê, bị trách, bị mắng, bị nhiếc, bị bạc đãi, bị hà hiếp, bị bóc lột, bị lạm dụng, bị thù, bị oán, bị giết, bị tù, bị tội, bị bắt cóc, bị cưỡng ép, bị chịu đựng, bị khống chế, bị tàn tật, bị thương tích, bị ruồng bỏ, bị lãng quên…
Thống kê ra thì sẽ dài bất tận.
Tóm lại, con người vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc là nhờ CÓ hay KHÔNG CÓ, ĐƯỢC hay KHÔNG ĐƯỢC, LÀ hay KHÔNG LÀ và BỊ hay KHÔNG BỊ.
Cũng thế, nếu thống kê hết những hạng người, theo loại, theo nghề nghiệp, theo hoàn cảnh sống, theo địa lý, theo phong tục…thì cũng rất dài dòng, thử tạm liệt kê một vài hạng người theo số mệnh mà CÓ, mà ĐƯỢC hay LÀ :
Ngưòi làm vua, hoàng tử, công chúa, làm tổng thống, làm ông này bà nọ, chức vị quan trọng trong xã hội thì cũng có hạng thường dân, không tên tuồi, không ai biết, có anh hùng, có tướng tá, sĩ quan, quân nhân thì cũng có thi nhân tao nhã, nhạc sĩ, tài tử chỉ cống hiến cho đời những giây phút thoải mái vô ưu, có tu sĩ, bác sĩ, võ sĩ, có ngưòi nhân đạo thì cũng có người vô nhân đạo, có trộm cướp, có sát nhân giết mướn giết thuê, có thương nhân đàng hoàng làm ăn thì cũng có dân buôn lậu, buôn thuốc nghiện, thuốc hút, buôn người, buôn cả trẻ con, đàn bà, con gái, ngoài những kỹ nữ buôn phấn bán hương, thời hiện đại như chúng ta thì còn có cả “ mỹ nam” cạnh tranh với mỹ nữ, bên cạnh đó vẫn còn những người cần cù, tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối, như nông dân, ngư dân, thợ thuyền, người giúp việc, người buôn thúng bán bưng, gánh gồng, dầm mưa dãi nắng, thì cũng có người làm việc bằng trí óc, quanh quẩn trong bốn bức tường, đôi lúc thật khô khan nhàm chán…đối lại thì có “ siêu mẫu chân dài ” khoe khoang hàng hiệu, phô trương hình ảnh xa hoa, xa xỉ, lúc nào cũng tươi cười, xinh đẹp, lộng lẫy nơi các nhà hàng thượng thặng, đôi khi cùng với các tài tử xi nê lên xuống “siêu xe ”, với những cuộc chạy đua tốc độ xoay xẩm mặt mày…
Số mệnh con người dường như cũng đi theo hai chiều trái ngược, hoặc sướng hoặc khổ, hoặc lên, hoặc xuống, hoặc thiện hoặc ác, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc hay hoặc dở, hoặc hên hoặc xui, như nói có số đỏ, có số đen. Tuy nhiên cũng có thể là không đỏ, không đen, không thiện không ác, không tốt, không xấu, không khổ, không sướng, ở giữa lưng chừng, trung bình mọi mặt.
Hiểu rõ số mệnh, phải chăng vì con người luôn bị thời gian thôi thúc đằng sau lưng. Con người chẳng thể nào đứng yên, tất cả đều tan biến vào hư vô vậy thì con người có thể níu kéo được gì ? Hạnh phúc nằm ở đâu ? Ở cái điều mà tôi có, tôi không có, tôi được, tôi không được, tôi là, tôi không là, tôi bị, tôi không bị ?
Con người chỉ nên nghĩ đến con đường đang đi, thực tại đang có và phải đi, phải sống như thế nào hơn là nghĩ con đường này, cuộc sống này dẫn tới đâu. Và như thế con người có thể bình an thoải mái hơn chăng ?
LêKhắcThanhHoài
Paris, Tháng Bảy, 2014
Chú thích :
- Kiều. Nguyễn Du
- Mạn Hứng . Nguyễn Du
- Hành Lạc Từ . Nguyễn Du
- 6.….cho đến 39 : Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. Vũ Ngọc Phan