Người sống mặc buông lung
Ái tăng như dây rừng
Sống đời này đời khác
Như vượn tham quả rừng. (1)
Bàng bạc trong kinh Phật, chữ Ái được nhắc đến hầu như không thể tính đếm vì Ái là cội nguồn của sinh tử, là gốc của khổ đau mà con người phải gánh chịu, gánh chịu cái khổ đau xuất phát tự nơi bản thân mình, do chính mình tự tạo nghiệp, tự lãnh chịu quả báo và tự mình trôi lăn trong luân hồi :
Tự mình làm điều ác
Tự mình sanh, mình tạo
Ác nghiệp nghiến kẻ ngu
Như kim cang nghiền báu (2)
Chữ Ái tìm thấy trong kinh Phật qua nhiều danh từ, biểu tượng khác nhau, nơi bốn câu thi kệ ở đầu bài cho thấy, Ái như dây leo trong rừng, thì tăng trưởng, chằng chịt, vô số, ngoài ra còn được ví như nước, như sông (Ái hà), như biển (biển Ái dục), như mạng lưới, như bùn lầy, như tên độc, như gai nhọn, như lưỡi câu, như mũi lao, như mật ngọt trên lưỡi dao, như chiếc bẫy nhựa…
Ái như giây leo, mọc tràn lan, bao phủ rừng rậm, mà con người thì như con vượn tham ăn, níu vào chuyền từ cành này sang cành khác, đời này sang đời khác không biết khi nào đứng lại.
Ái như dòng nước, như con sông, như biển cả cuồn cuộn sóng mà con người trầm mình trong đó, tắm gội trong đó và chìm lỉm trong đó.
Ái như mạng lưới bao phủ, trùm lên thân thể con người, làm kẹt tay kẹt chân, con người vùng vẫy mà không thoát ra được.
Ái như vũng bùn lầy mà con người lỡ sa chân vào và từ từ bị lún sâu, bị chôn chặt trong đó.
Ái như chiếc tên tẩm thuốc độc đã bắn trúng thân thể và con người chỉ còn chờ chết cho dù có rút được tên độc nhưng chất độc đã ngấm vào da thịt rồi, vô phương cứu chữa.
Ái như gai nhọn đâm vào tay làm rướm máu, làm nhức nhối, gây ung nhọt, cho dù thương tích chỉ một nơi mà gây khó chịu, đau đớn như cả toàn thân khó chịu, đau đớn.
Ái như lưỡi câu mà con cá đã lỡ cắn vào thì không còn cách nhả ra, số phận nằm trong tay kẻ cầm cần câu.
Ái như mũi lao xuyên da thịt, đâm thủng lục phủ ngũ tạng, con người trúng lao thì quằn quại, nằm dài xuôi tay chờ chết.
Ái như mật ngọt bôi trên con dao bén mà con người thèm thuồng liếm mãi, liếm mãi, đam mê, mất sáng suốt, không còn biết thận trọng, biết dừng lại, cho đến khi lưỡi bị con dao bén cắt, máu me thương tích rồi mới sực tỉnh.Ôi thôi cũng trễ rồi !
Ái như chiếc bẫy trét nhựa, làm cho tứ chi dính mắc trong đó, không làm sao nhúc nhích, giải thoát cho được.
Trong kinh điển, hình ảnh, biểu tượng của Ái thường được diễn tả, được ví như trên. Cảm giác đầu tiên xâm chiếm tâm tư chúng ta có lẽ là một nỗi khiếp sợ, rùng mình.
Hãy cùng tìm hiểu tường tận Ái là gì ? Tại sao Ái là cội gốc của sinh tử ? Làm thế nào để Ái không tăng trưởng như dây rừng, làm thế nào để tránh rơi vào những dòng nước chảy xiết, những con sóng dữ dội của biển Ái ? Làm thế nào để thoát khỏi mạng lưới, vũng bùn lầy, mũi tên độc, cây lao nhọn, mật ngọt trên dao bén, chiếc bẫy trét nhựa với cái tên gọi thật ư đẹp đẽ thơ mộng là Ái đó ?
Ái, từ Hán Việt, thật ra nghĩa của nó chỉ đơn giản là yêu, là thương, là thích. Không có gì phức tạp. Nhưng dùng trong kinh điển Phật Giáo, nói đến Giáo lý nhà Phật thì ý nghĩa của Ái không đơn giản như vậy và là một thuật ngữ khá quan trọng.
Ái được dịch từ tiếng Pali, Tanha, mang ý nghĩa của sự khát ái, và bao gồm cả tham, dục cho nên chúng ta thường gặp cụm từ Tham ái hay Ái dục, đủ nghĩa hơn là chỉ dùng Ái đơn lẻ.
Trong Tập Đế, chân lý thứ hai mà Phật Thích Ca đã thuyết về nguyên nhân của Khổ, chân lý thứ nhất, thì Ái chính là nguồn gốc của Khổ. Nhưng Ái không là phải là nguồn gốc đầu tiên và duy nhất, vì theo thuyết Duyên Khởi thì mọi sự đều nương nhau mà có, do đó mà không thể tự dưng có Ái, độc lập, riêng biệt xen vào « gây chuyện » đưa đẩy con người tạo nghiệp và luân hồi. Ái xen vào là khi đã có một cái thân ( Danh sắc, Lục nhập) và được hỗ trợ bởi những cảm giác, cảm xúc ( Xúc, Thọ ).
Ái không chỉ là động từ yêu, động từ thương, động từ thích. Yêu, thương, thích cái gì, điều gì mình muốn, cái gì, điều gì hợp với mình, vừa ý mình, đem lại sảng khoái, khoái chí, thú vị, hạnh phúc mà cũng là ghét bỏ, không ưa cái gì, điều gì mình không muốn, cái gì, điều gì không hợp với mình, không vừa ý mình, không đem lại sảng khoái, không thú vị, không hấp dẫn, không quyến rũ, không hạnh phúc tức là cái gì, điều gì gây khó chịu, bực bội, không vừa lòng, gây đau khổ. Thuận hay nghịch, hai chiều trái ngược của yêu, thương hay thích và ghét bỏ, xua đuổi, ruồng rẫy đều nằm trong một vòng tay của Ái mà thôi.
Dễ hiểu hơn, khi nói « Tôi yêu » « Tôi thương » « Tôi thích » cũng như khi nói « Tôi không yêu » « Tôi không thương » « Tôi không thích » « Tôi ghét » cho dù nói theo chiều nào cũng chỉ là Ái.
Hãy lần lần tiến sâu vào tính chất và các hoạt động của Ái và cùng đọc một đoạn kinh sau đây :
« Này các tỳ kheo, đây là Thánh Đế về Khổ nhân : Chính Ái dẫn đến tái sanh, do Ái cấu kết với hỷ và tham, tìm thú vui nơi này chỗ khác, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái » (3)
Như vậy, có thể nói rằng động lực thúc đẩy Ái hoạt động là sự ham muốn, khát khao hưởng thụ, hưởng thụ khoái lạc ở ba cõi, dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Ở cõi dục, gồm 11 cõi, từ địa ngục lên đến cõi trời, trong đó có cõi người của chúng ta, thì tham đắm thụ hưởng khoái lạc đến từ thân xác, từ các giác quan, gọi là nhục dục. Mắt thì có đối tượng là hình ảnh, tai thì âm thanh, mũi thì mùi hương, lưỡi thì mùi vị, da thịt, thân thể thì đụng chạm, xúc chạm và ý thì có tư tưởng, tư duy. Theo Phật giáo thì có 6 giác quan, ý thức, ý căn cũng là một giác quan, do đó khoái lạc cũng có thể đến từ ý tưởng, trí nhớ, trí tưởng tượng, khái niệm, tư duy…v.v…
Đức Phật dạy có bốn thứ thức ăn (4) nuôi dưỡng con người gồm :
- Đoàn thực: thức ăn vật chất nuôi dưỡng cái thân vật lý như cơm, cá thịt, trái cây, rau quả…cái gì có thể nuốt qua miệng, đưa vào bụng và nuôi được thân thể tồn tại, tránh khỏi sự chết.
- Xúc thực: các giác quan tiếp xúc với các đối tượng sẽ phát sinh những cảm giác, cảm thọ. Thí dụ mắt thấy hình ảnh đẹp thì vui, hài lòng, thích thú. Da thịt được vuốt ve, mơn trớn thì thấy dễ chịu…Khi có được cảm giác làm cho vui thích, sung sướng thì gọi đó là Lạc thọ, Ngược lại có những cảm giác nghịch, không đem lại vui sướng, thích thú mà gây khó chịu thì gọi là Khổ thọ.
Và cũng có những cảm giác bình thường, chẳng sướng chẳng khổ được gọi là Xả thọ. Cảm giác hay cảm thọ cũng nuôi dưỡng con người như một thức ăn vật chất. Con người đeo đuổi cuộc sống nhờ có cảm giác sung sướng, hạnh phúc, khoái lạc, nếu có cảm giác khổ, đau đớn thì cũng tìm cách tranh đấu để loại trừ và hướng tới cái gì đem lại lạc thú. Nếu chẳng có cảm giác khổ hay sướng, con người cũng không thể đứng yên một chỗ mà phải truy tìm cho được nơi nào đem lại khoái lạc mới chịu dừng.
- Tư niệm thực: tư lường, nhớ, suy nghĩ về những gì có thể suy nghĩ được, các điều thiện cũng như bất thiện, cùng nuôi cái ý chí mạnh mẽ muốn sống, muốn tồn tại, muốn tăng trưởng, tiếp tục sinh tồn, tái sinh.
- Thức Thực: sự nhận biết, hiểu biết. Nhờ trung gian là các giác quan mà nhận ra các đối tượng của giác quan. Nhận ra rồi nhưng không dừng ở đó mà thường khởi lên sự phân biệt, phán đoán và thường là sai lầm, chủ quan, không chính xác, không đúng với chân lý.
Nơi cõi Sắc, hay cõi thiền định, gồm 16 cõi, không có thân xác như phàm trần, sự tham ái liên hệ đến tư tưởng, chấp thường, khát khao sự trường tồn, vĩnh hằng.
Nơi cõi Vô Sắc, gồm 4 cõi, sự tham ái liên hệ đến tư tưởng chấp đoạn, chết là hết, khát khao sự thụ hưởng trong thế giới vô hình.
Cho dù ở cõi nào, có hay không có cái thân vật chất, mà vẫn còn khát khao thụ hưởng khoái lạc cho dù thật vi tế, thì vẫn còn Ái.
Con người được nuôi dưỡng bằng bốn loại thức ăn như trình bày ở trên, và qua trung gian của bốn thức ăn này mà Ái khởi lên lòng tham, Tham Ái, nên nói tính chất của Ái là sự dính mắc. Như keo, như sơn. Chạm vào thì dính. Dính vì có một đối tượng hấp dẫn, quyến rũ, gây cuốn hút, gây thèm thuồng. Hoặc là dính vào mà xua đuổi, ghét bỏ. Một lực gì, một năng lượng nào đó tỏa ra làm tâm mình « xiêu, choáng váng, mê mẩn », gọi là ngã lòng, mềm lòng, hay là được kích thích, gây hứng thú, phấn khởi, hăng hái, tạo ra năng lượng mới, có thể tích cực mà cũng có thể tiêu cực. Dính vào rồi thì lại không dừng ở đó mà thường khởi lên ham muốn. Nên một khi có Ái là có Tham, thường được gọi chung là Tham Ái hay Ái Dục. Tham, cũng là Dục, đẩy mạnh nỗi khát khao, mơ tưởng, ao ước, vọng tới, phóng tới, hướng tới, ngưỡng tới, với tới, vồ lấy, chụp lấy, bắt lấy, và như thế là xuất phát nơi Ái sẽ có sự đuổi bắt để đạt cho được đối tượng làm khao khát, làm mơ tưởng, làm ao uớc, làm xiêu lòng, làm choáng váng, làm mê mẩn, làm hứng thú…Nếu chỉ khao khát ái tình nam nữ, khoái lạc nơi thân xác thì gọi là tình dục hay dục tình. Có khao khát mới mong muốn được thỏa mãn khao khát đó.
Hãy quan sát Ái hoạt động như thế nào qua các thí dụ :
Đang dạo phố, một mùi thơm bay ngào ngạt từ một quán ăn, đến tận mũi, cái tôi hay ý thức, nhận ra là mùi của món ăn mà mình ưa thích, nhờ đã có kinh nghiệm qua Xúc và Thọ, từng tiếp xúc, từng đụng chạm và từng nhận biết, tức thì sẽ phát sinh cái cảm giác thích thú, thích thú rồi sẽ kéo theo cảm giác thèm thuồng và muốn được thoả mãn « À, ta hãy bước vào quán ăn và ăn cái món mà ta thích này !"
Trong thí dụ này có rõ ràng ba giai đoạn, cho dù ba giai đoạn có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giây, vài tích tắc. Thứ nhất là nhận ra mùi thơm và là mùi thơm mình thích, Ái có mặt ở đây rồi. Thứ hai là thích thì khao khát, muốn được thỏa mãn « ước muốn » đó, Tham, Dục có mặt lúc này. Thứ ba là phải hành động để tới đích là thoả mãn lòng Tham, lòng khao khát hưởng thụ. Ái, Tham hay Dục không hề tách rời.
Một thí dụ nghịch chiều mà vẫn là Ái :
Lần này, cũng trên con đường dạo phố đó nhưng cái mùi bay ra từ quán ăn lại là cái mùi mà mình không ưa thích, cái mùi nồng nặc mình ghét. Ái đã có mặt vì ghét cái mùi đó. Trong trường hợp này, Tham, Dục không phải là lòng khao khát muốn đem về, muốn thỏa mãn mà hiện ra dưới sự xua đuổi, không cho cái đáng ghét đó động đến mình, mà thúc đẩy phải có hành động tránh xa, đi nhanh ra khỏi nơi có mùi khó chịu đó.
Nếu phân tích chi li thì cũng giống như thí dụ thuận chiều ở trên, chỉ thay vào đó « thích » bằng « ghét » và thay vì thâu nạp để hưởng thụ thì sẽ xô đẩy ra mà thôi.
Lại thêm một thí dụ khác :
Lần này đối tượng đến từ con mắt. Một hình ảnh, dáng dấp của cô nàng hay anh chàng nào đó bỗng đâu xuất hiện và đập vào hai con mắt. « Ồ, cái miệng cười sao duyên dáng ! Ánh mắt sao hiền hòa thế ! »
Như vậy là hình ảnh đến từ hai con mắt chạy thẳng vào trong trái tim. Ái đã có mặt rồi. Tiếp đến là Tham, Dục khởi lên : « Ước gì ta làm quen nàng, chàng » sẽ đẩy tới hành động « Hãy tìm mọi cách mới được !" và cứ thế mà tiến triển, « Nàng này, chàng này phải thuộc về ta mới được !» ý muốn này đưa đến sự chiếm hữu, phải thuộc quyền sở hữu của mình mới thoả thích, vừa lòng.
Một thí dụ khác, nghịch chiều. Hình ảnh xuất hiện không có gì hấp dẫn, quyến rũ mà xấu xí, đáng ghét. « Gớm ! Người đâu mà chán vậy, mới trông thấy đã phát tởm ! » Cái tâm chán ghét này cũng chính là Ái. Tham sẽ xuất hiện dưới hình thức xua đuổi, tránh né. « Ta sẽ bước qua bên lề đường kia để khỏi thấy cái mặt đáng ghét đó !»
Cái điều khó hiểu là ở nơi chiều nghịch, ghét, xua đuổi cũng vẫn là Ái. Vì sao ? Vì tính chất của Ái là Khát, khát khao hưởng thụ thì phải bám vào một đối tượng nào đó đem lại khoái lạc, không đem lại đau khổ, do vậy trên lộ trình của Ái phải có Thủ, bám vào, chấp vào đối tượng đó thì đương nhiên khi có trở ngại, khi Ái không thể Thủ, hay chấp vào đó, vì không đúng như sự khát khao, chờ đợi, gây đau khổ thì Ái sẽ có phản ứng nghịch, xua đuổi ra, đó cũng là từ lòng tham, dục mà thôi.
Nói rõ hơn nữa qua thí dụ : Ái khát khao « đường ngọt » mà trước mắt chỉ có « muối mặn » thì cái lòng tham, dục, khát khao đường ngọt sẽ ghét bỏ, xua đuổi ngay muối mặn, hi vọng như thế sẽ « dọn đường » cho đường ngọt xuất hiện. Tham ái, ái dục sẽ luôn luôn đánh đổ trở ngại để tiến tới đích là Thủ, bám, chấp, nắm cho được, mà tất nhiên là được điều phù hợp với khát khao thì lúc đó mới chuyển đến giai đoạn kế tiếp là sở hữu, và như vậy, cái xâu chuỗi Thập Nhị Nhân Duyên từ từ hình thành đầy đủ.(5)
Một điều cần đáng chú ý là nơi Ái, mà Tham hay Dục đã khởi lên rồi thì thường kéo theo Sân và Si. Trong trường hợp nghịch chiều thì nổi sân hận, tức giận và có thể đưa đến những hành động mù quáng, không đúng, không phải, không thuận theo đạo đức luân lý.
Nhưng trong trường hợp thuận chiều, hợp ý, hợp nhãn cho dù không khởi lên sân hận mà khởi lòng da diết, đắm đuối, đam mê cũng không đem lại bình an trong lòng, mà lại phát sinh lo âu sợ hãi sẽ bị mất đi cái đối tượng đem lại sự thích thú, hài lòng. Cho dù có đắm mình, tràn trề trong hạnh phúc, vẫn lo lắng để giữ cho bền lâu cái đối tượng này. Từ sự lo âu, rất dễ dàng phát khởi Sân và Si nếu gặp trở ngại cho sự giữ gìn, sở hữu đối tượng mình đeo đuổi. Rất dễ thấy điều này khi bạn đang khởi lòng yêu ai đó, tâm của bạn vừa sung sướng nhưng vừa lo âu, không gì chắc chắn bạn sẽ sở hữu đối tượng, bạn sẽ cảm thấy ai cũng là tình địch của bạn, bạn ghen tuông vô cớ, thêu dệt đủ điều. Đau khổ đã phát sinh rồi, và có thể bạn có những hành động sai trái nữa. Nghiệp xấu, ác phát xuất từ tham sân si mà gốc cũng từ Ái mà ra cả.
Bên trên đã đề cập đến hai thí dụ mà đối tượng đến từ mũi và mắt. Cũng y hệt như vậy, các đối tượng khác đều có thể xuật hiện từ các giác quan khác như tai nhận biết âm thanh, như da thịt, thân thể nhận biết cảm giác, lưỡi biết nếm mùi vị, và ý thì nhận biết những gì thuộc phần tư tưởng, cảm nghĩ, suy tư…Gọi đó là sáu Trần. Bao gồm cả hai phần Sắc và Danh, vật chất và tinh thần. Sáu giác quan đối với sáu Trần mà phát sinh Ái, cái lòng ưa thích, yêu thương, quyến luyến hay ngược lại, ghét bỏ, chối từ, xua đuổi. Nghe một bản nhạc hay, ngắm một bức tranh đẹp, hay đọc những lời văn bóng bẩy hợp ý mình thì hài lòng, sung sướng, ngược lại, không đúng với sở thích của mình thì chê bai, chán ghét, tránh ra. Đằng nào thì Ái cũng mang tính ô nhiễm, không thanh tịnh với sự chấp trước như vậy.
Căn cứ trên bốn thứ thức ăn nuôi dưỡng con người, ngoài cái thức ăn thô là vật chất thông qua năm giác quan, như ăn uống, xem, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, con người còn khao khát những gì không thuộc phần vật chất mà thuộc về phần tinh thần như tư tưởng, lý tưởng, lý thuyết, triết thuyết, quan điểm, khái niệm và cả tôn giáo, khao khát tìm chân lý, cầu giải thoát…
Lắm khi những ham muốn vật chất cũng hòa lẫn vào với những ham muốn tinh thần. Thí dụ, ham muốn tiền của, tài sản để cung phụng cho cái thân được nhiều tiện nghi hơn, được nhiều điều kiện hơn để ăn ngon, mặc đẹp, xem, nghe với những phương tiện tuyệt xảo nhất nhưng cũng là tham muốn được quyền lực, được thấy mình hơn kẻ khác, có thể làm chủ và điều khiển kẻ khác. Điều này đem đến sự tự mãn, thích thú, khoái lạc nơi tinh thần.
Người biết hướng thiện có thể cũng tham cầu vật chất, của cải nhưng lại biết bố thí, giúp đỡ người nghèo khó thì qua hành động vị tha này cũng đạt được cảm giác tự mãn, thích thú, khoái lạc nơi tinh thần không khác người kia. Cảm giác nơi thân hay nơi tinh thần thì có thể giống nhau nhưng quả báo thì sai khác.
Từ nơi Ái có thể phát xuất khát khao điều Ác, bất chính, không đạo đức cũng như khát khao điều Thiện, chân chính, hợp đạo đức. Thiện và Ác luôn có mặt cùng lúc, chỉ là con người biết lựa chọn, nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, có cái điều thật vi tế, cần nhận ra : Khao khát Ác thì tự nhiên sẽ ghét Thiện và ngược lại cũng thế, khao khát Thiện thì sẽ ghét Ác. Nơi một con người bình thường như phàm phu chúng ta, thử quan sát, thí dụ ta khao khát làm việc thiện, bố thí, cúng dường mà thấy kẻ khác keo kiệt, bủn xỉn, không cùng một suy nghĩ như mình thì tự nhiên sinh ghét, không ưa, không muốn gần gũi với kẻ đó. Ngay nơi bậc làm cha mẹ, hay thầy giáo, thấy con cái hay học trò, đứa nào siêng năng, cần cù, dễ bảo thì thương và đứa nào ngỗ nghịch, lười biếng, khó dạy thì ghét. Ái luôn mang lòng thương ghét, bỉ thử, phân biệt, không bình đẳng.
Hãy phân tích tiếp : một khi tâm tham Ác nổi lên thì nó sẽ dẹp trừ ngay nếu có Thiện cản đường, không cho thụ hưởng, tiếp tục tiến trình sở hữu, chiếm đoạt. Cũng thế, tâm Thiện nổi lên cũng có thể dẹp trừ Ác tương tự như vậy. Trong thực tế cho thấy, những kẻ làm ác, không ngần ngại loại trừ, bỏ tù, giết hại, những kẻ làm thiện cản đường hoạt động của chúng thì đối lại những kẻ tranh đấu dưới danh nghĩa Thiện cũng có thể hành động ác như thế để chận đứng tai họa của phe Ác đối lập. Vậy, Thiện ở đây chưa hẳn là Thiện chân chính. Thiện, Ác phát sinh từ Vô Minh thì luôn luôn có những phản ứng, đối đáp như vậy. Đây chính là tâm phân biệt, không bình đẳng. Tâm phân biệt này còn được xem là vọng tâm. Không phải bản chất thật, thanh tịnh của Chân tâm.
Như vậy, xét theo vọng tâm, thì câu nói của Mạnh Tử « Nhơn chi sơ tánh bổn thiện » và câu nói của Tuân Tử « Nhơn chi sơ tánh bổn ác » xem ra cả hai đều đúng !
Cái tâm phân biệt, không bình đẳng, có thiện, có ác, điều động Ái để yêu, ghét, lấy, bỏ, đem về, xua đuổi…đúng ra đều bắt nguồn từ Vô Minh, vậy chúng ta thử tìm hiểu Vô Minh là gì ?
Vô Minh chính là cái trí hay cái tâm bị mờ ám, không thể thấy chân lý, thấy sự thật như sự thật, hiển hiện một cách minh bạch, rõ ràng, do đó mà lấy những gì là vọng, là giả làm chân, làm thật. Nơi Vô Ngã mà chấp Ngã là Vô Minh. Nơi Vô thường mà chấp Thường là vô Minh, nơi Khổ mà chấp Lạc là Vô Minh, nơi Bất tịnh mà chấp Tịnh là Vô Minh. Không thấy được Tứ Thánh Đế, Khổ, Nguyên nhân của Khổ, Sự Diệt Khổ và con đường đưa đến sự Diệt khổ là Vô Minh. Chấp thường, chấp đoạn là Vô Minh. Chấp có, chấp không là Vô Minh. Chấp Ta, chấp Người là Vô Minh. Chấp chủ thể, khách thể là Vô Minh. Chấp thiện, chấp ác là Vô Minh…Còn nhiều, nhiều nữa. Chỉ cần vướng vào một chữ Chấp là Vô Minh.
Lại tiếp tục phân tích : điểm mấu chốt đã thôi thúc Ái hợp với Tham, Dục tiếp tục lộ trình, tiến tới chấp Thủ, Hữu cũng là vì chấp Ngã, thấy có cái Tôi chắc thật từ nơi cái thân vật chất và muốn bảo vệ nó, nuôi dưỡng nó, gom góp, tích lũy về cho nó, muốn nó trưởng thành, trường tồn mãi.
Nếu không chấp Ngã thì sẽ không có Ái, kéo theo Tham, Dục hay Sân, Si gì hết, đồng thời không tạo nghiệp và chịu nghiệp quả.
Sự hình thành của con người hay một kiếp sống qua mười hai nhân duyên, một dây xích nối nhau thành vòng tròn, vận chuyển từ Vô minh sang Hành (vọng tưởng) thì được xem như là Nhân của quá khứ, không thể thay đổi. Từ Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ (cái thân vật chất và tâm lý) thì được xem như là Quả hiện tại và cũng không thể thay đổi. Đến Ái, Thủ, Hữu (lòng yêu thích hay ghét bỏ, và sự đuổi bắt, nắm giữ, làm sở hữu) là Nhân hiện tại. Chính nơi cái Nhân này mà quyết định cái quả vị lai là Sanh, Lão và Tử. Có thay đổi được gì chăng là nơi cái Nhân hiện tại Ái, Thủ, Hữu này mà thay đổi. Điểm này tối quan trọng ! Sự tu hành nhắm vào sự chuyển đổi hướng đi của Ái, dứt bỏ Tham, Dục, không khát khao tìm cầu, không đeo đuổi, buông bỏ, không nắm bắt, phủi tay, không Thủ, không Hữu, không còn vướng Sân, Si, phiền não, không còn thấy Ngã phải che chở, nuôi dưỡng, nuôi ý chí tái sinh, tồn tại, tích lũy, tăng trưởng, trở thành, không phân biệt, không bỉ thử, thì cũng từ đó chận đứng dòng luân hồi sinh tử.
Tự tại là phá được Ngã chấp, Ái, Thủ và Hữu. Do đó, Bồ Tát trở lại sinh tử mà không « hề hấn » gì, lại còn làm vô lượng lợi ích cho chúng sinh mà không gì chướng ngại, ngăn ngại. Làm mọi việc mà như không hề làm việc gì. Vô Tác. Không còn tạo nghiệp và chịu nghiệp báo nữa.
Cuối cùng, diệt được Ái đồng nghĩa với diệt được Ngã chấp và phá tan Vô Minh.
Phá Ngã chấp không phải là điều dễ dàng. Do mang một cái thân vật chất nên dễ bám vào đó, cho là tôi, là Ngã, nhưng khi cái thân vật chất tan rã, cái tâm thức chấp Ngã vẫn còn và tiếp tục tìm một cái thân khác do đó mà có tái sinh và luân hồi.
Chấp Ngã hay ý thức về Ngã, về cái Tôi luôn có mặt để thúc đẩy, điều động Ái, « xúi giục » Ái hợp tác với Tham để làm thoả mãn cái thân vật chất cùng với cái phần tinh thần của Ngã. Cũng nơi ý thức này mà quay chiều ngược lại, không nghe lời Ái, không Tham, không dính mắc, không bị quyến rũ bởi bất cứ đối tượng nào của các giác quan (đoàn thực, xúc thực ) cũng như của ý tưởng ( tư niệm thực, thức thực )
thì tất nhiên Ái sẽ tự khô kiệt, diệt tận, không làm nhân cho nghiệp và quả tái sinh tương lai.
Như đức Phật đã từng dạy về Niết Bàn :
« « Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái Ái ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly, và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục ».
Thoạt nghe qua thì dường như quá giản dị ! Chỉ cần chối từ Ái, không nghe theo lời mời mọc của Ái, không thỏa mãn khát khao thụ hưởng của Ái, không tham đắm bất cứ loại thức ăn nào, không để cho dây Ái mọc như rừng, không để tuôn chảy như sông, như biển dòng nước Ái, không để cho lưới Ái trùm lên, trói buộc, không để bị sa vào bùn lầy của Ái, không để cho chất độc của Ái ngấm vào thân thể, không để cho gai nhọn của Ái đâm thủng thịt da, không để cho mũi lao của Ái gây thương tích tử vong, không để cho mật ngọt của Ái trên ngọn dao bén làm đứt lưỡi, không để cho bẫy nhựa của Ái làm dính mắc khó lòng tháo gỡ, thì lúc đó thực sự là giải thoát, thực sự an lạc.
Tuy vậy, mà không gì khó hơn là diệt Ái ! Khó vì đã huân tập lâu đời lâu kiếp những chủng tử gốc của tham sân si. Những chủng tử này vẫn còn sức sống vô cùng mạnh mẽ. Phàm phu chúng ta, loài hữu tình nặng nợ trần ai, đắm đuối vì tình, khổ lụy vì duyên nợ, biết khi nào mà gỡ cho ra khỏi vòng tay của Ái ?! Có chăng chỉ là mong tiến từng bước, từng bước nhỏ mà thôi.
Cứ mỗi tham dục được bỏ đi
Một niềm hạnh phúc đến liền khi
Người nào muốn hưởng tròn an lạc
Phải bỏ mọi tham dục tức thì. (6)
Đức Phật đã chỉ ra con đường để thực sự giải thoát, an lạc, hạnh phúc, đó là con đường đoạn diệt Ái, đoạn diệt tham dục, cho dù là khó làm nhưng chỉ cần cố gắng « Cứ mỗi tham dục được bỏ đi » để có được « Một niềm hạnh phúc đến liền khi » cũng đủ cho phàm phu chúng ta nên hăng hái và tinh tấn !
LêkhắcThanhHoài
Paris, Tháng Sáu, 2015
Chú Thích :
- Kinh Pháp Cú. Phẩm Tham Ái. HT Thích Minh Châu dịch.
- Kinh Pháp Cú. Phẩm Tự Ngã. HT Thích Minh Châu dịch.
- Kinh Chuyển Pháp Luân. Nghi thức tụng niệm chùa Trúc Lâm Paris. HT Thích Thiện Châu soạn, dịch.
- Kinh bốn loại thức ăn. Tạp A Hàm
- Thập Nhị Nhân Duyên : vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Sự thành hình, sự sanh và diệt của một con người, một kiếp sống gồm 12 yếu tố, nhân duyên, nương vào nhau, cái này sanh thì cái kia mới sanh được và cái này diệt thì cái kia cũng diệt.
- Kinh Tiểu Bộ. Chuyện tiền thân đức Phật. Chuyện dục tham. Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch.