Đây chỉ là bài viết của một đứa cháu, đôi lúc hồi tưởng đến ông mình với những hình ảnh còn giữ lại trong trí nhớ. Rất ít ỏi, không có gì nhiều vì khi tôi bắt đầu lớn lên và hiểu chút ít về cuộc đời thì tôi lại không còn dịp gần gũi, trò chuyện với ông nữa.

Vì thế, không thể tìm thấy trong bài này những tài liệu đầy đủ về tiểu sử, về các sáng tác, về sự đóng góp của ông tôi cho nền ca nhạc cổ truyền, đặc biệt là của xứ Huế.

Bài này chỉ nói lên những cảm nghĩ về một người ông mà dù chỉ còn rơi rớt lại một vài hình ảnh, vẫn để lại một điều gì sâu đậm trong lòng mà cho dù bao năm tháng trôi qua, khi trở thành một nhạc sĩ như ông ngoại mình, người cháu mới chợt nhận ra à ông cháu hình như cùng mang chung một nghiệp ! Nghiệp gì ? Chẳng qua ông và cháu, chúng ta đều là tài tử cả. Tài tử mà trở thành chuyện nghiệp và tuy là chuyên nghiệp vẫn mang cái nét tài tử riêng của mình.

Tài tử ở đây không nên hiểu theo nghĩa làm chơi cho vui, không phải tay nghề, và hiểu theo nghĩa xấu, hay dở gì cũng làm, chỉ là nghiệp dư,

làm cho có, làm cho xong, làm cho vui, làm cẩu thả, như chúng ta thường nghe phê bình người nào không chú tâm mấy vào chuyện mình làm, không nghiêm túc, không thận trọng. Tài tử như vậy là thiếu sự tự trọng, mà nếu không trọng mình trước e cũng chẳng trọng người.

Tài tử đúng nghĩa không phải như vậy. Đúng ở chỗ là làm cho vui, nhưng trong cái làm chơi, làm cho vui đó thì lại rất thiệt. Nghĩa là cũng rất say sưa, dồn hết tâm sức, tài tình, thiện nghệ. Nếu xấu nếu dở

thì sẽ không làm. Nếu vì danh vì lợi thì cũng chẳng làm. Nếu làm mà không hết lòng, không để hết tâm can vào thì cũng không làm. Đã làm thì làm cho trót, cho tới nơi, cho trọn vẹn. Có thể mất ăn, mất ngủ, mất tiền và mất cả…tình ! Nhưng một khi trót đã làm, đã quyết định làm gì thì làm với tất cả tâm huyết.

Tài tử đúng nghĩa là như thế. Xin đừng lầm lẫn với hạng tài tử không phải…thứ thiệt !

Khi tôi có ý định viết bài này thì nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, cháu gọi ông ngoại tôi bằng cậu ruột, và như thế, cũng là người cậu bà con với tôi, có nhắn nhủ : « Điều cần nhấn mạnh về ông là một tay đàn tài tử nhưng tài nghệ không thua gì các vị chuyên nghiệp, lại còn hay, hay lắm vì tiếng đàn của ông rất có hồn »

Bài này tưởng nhớ đến ông ngoại tôi. Một tay đàn tài tử thứ thiệt. Như thế là ý gì ? Xin từ từ tìm hiểu qua những dòng sau đây.

 

Thực ra tôi chẳng biết nhiều về ông ngoại mình, chỉ biết ông cụ tên là Võ Truy và thường được mọi người chung quanh gọi là ông Hường Truy. Có lẽ ông từng làm quan tới chức ông Hường dưới thời Bảo Đại. Theo lời của bà dì ruột thì ông có được ban chức song ông chẳng nhận mà chỉ giữ chức vụ của một người công chức bình thường (dấu hiệu của một tài tử thứ thiệt, bất cần danh vọng) Tuy không nhận chức mà mọi người vẫn gọi ông lả ông Hường có lẽ vì do kính nể ?

Hình ảnh ông ngoại tôi rất gần gủi với tôi vì nhà của ông sát cạnh nhà cha mẹ tôi, hầu như mỗi ngày tôi đều thấy bóng dáng ông, gặp ông. Khi tôi bắt đầu vào học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, thì ông ngoại tôi cũng được mời vào dạy đàn tranh, đàn tỳ bà, vào khoảng thập niên 60. Lúc ấy giám đốc nhạc viện là linh mục Ngô Duy Linh. Vị giám đốc đầu tiên khi ngôi trường vừa được xây cất.

 

Ông ngoại tôi thường chỉ đi xe đạp. Đi xe đạp đến trường nhạc hay đi đánh cờ tướng vì ông còn là một tay cờ tướng nổi tiếng của thành phố Huế, hoặc là ông ra tiệm chụp hình Tăng Vinh, do ông lập ra nhưng giai đoạn này ông đã để lại cho dì tôi trông nom, dì nổi tiếng nhờ chụp hình portrait rất đẹp, đa số ca sĩ, tài tử nổi tiếng thời đó đều đến chụp nơi tiệm của dì tôi.

Nếu không đạp xe đi dạy nhạc hay đi đánh cờ, ra tiệm thì ông đi chơi đàn cùng các bạn nhạc sĩ của ông, tôi còn nhớ các ông Nguyễn Hữu Ba, các mệ Bửu Lộc, Vĩnh Phan. Mệ Vĩnh Phan cũng dạy ở trường nhạc, có con trai là Bảo Chấn, cùng học chung với tôi ở lớp lý thuyết âm nhạc. Bảo Chấn hồi đó học thổi kèn trompette, sau này trở thành một nhạc sĩ sáng tác và hòa âm khá nổi tiếng ở Sàigòn.

Cùng một thời với tôi thuở ở trường nhạc còn có Hoàng Thi Thao, cháu của Hoàng Thi Thơ, kéo vĩ cầm rất giỏi, từng được xem như là thần đồng, có Vĩnh Hùng, tay piano giỏi nhất trường, về sau trở thành giáo sư dạy piano cho trường, qua bao cuộc biển dâu của thành phố Huế mà Vĩnh Hùng vẫn đứng vững như cây thông cho đến ngày nay. Mấy chục năm sau gặp lại Vĩnh Hùng tôi không ngớt ca tụng !

Ngoài ra còn có Vĩnh Tuấn, tay đàn tranh, tỳ bà rất mực tài tình, một trong những học trò cưng của ông ngoại tôi. Chắc hẳn còn nhiều vị tài ba khác nữa nhưng tôi không thể nhớ hết.

 

Trở về ông ngoại tôi. Ban đêm tôi thường nghe tiếng đàn của ông từ căn phòng nhỏ bé bay sang nhà tôi. Tôi chưa bao giờ bước vào căn phòng nhỏ bé đó, chỉ đứng thập thò ngoài cửa phòng để chuyện trò với ông và hình ảnh căn phòng đó chẳng phai mờ trong trí nhớ bởi vì tôi vẫn luôn thích thú ngắm nghía những cây đàn ngổn ngang trên giường ông, tưởng như chúng nằm ngủ chung với ông. Thật thế, ông nằm ngủ với mấy cây đàn, đàn tỳ, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn cò, chiếc giường của ông hẳn khá rộng, chiếm hết chỗ trong căn phòng bé nhỏ, mà bà ngoại tôi thì ngủ riêng trong một căn phòng khác, thuở bé tôi cũng thường được ngủ chung với bà và được bà quạt suốt đêm không biết mỏi tay vào những mùa hè nóng bức. Ôi tấm lòng bao la hiền hậu của bà ngoại tôi !

Những cây đàn chiếm hết chỗ trên chiếc giường của ông, đồ đạt cũng chồng chất ngổn ngang trong phòng. Ông thường ngồi ở chiếc bàn con, trước khung cửa sổ tròn, thông qua nhà cha mẹ tôi. Trên bàn có máy radio mà ông rất thường nghe, đặc biệt là chương trình phát ra những bài ca Huế. Sau này tôi mới biết là chương trình có phát sóng những sáng tác của ông. À thì ra ông là nhạc sĩ sáng tác rất nhiều bài ca Huế, các điệu hò Nam Ai, Nam Bình…Không những thế, ông lại biết chơi hầu như tất cả các loại đàn cổ truyền như đàn tranh, tỳ bà, đàn cò, đàn nguyệt mà còn chơi cả violon. Không lạ gì các dì, cậu của tôi đều biết chơi thông thạo violon, guitare và đặc biệt mẹ tôi, đàn tranh rất giỏi, rất hay và còn biết chơi cả piano. Tuổi nhỏ của tôi gắn liền với các giai điệu dân tộc thuần túy cũng như dòng nhạc phương Tây.

 

Có khi tiếng đàn tranh, đàn tỳ bà hay đàn nguyệt của ông bay sang tận nhà cha mẹ tôi thì tiếng piano của tôi, các chị tôi, cũng bay sang nhà ông ngoại tôi, len lỏi vào tận căn phòng nhỏ bé. Và có lần ông nói với tôi : « Nhạc Tây nhiều kỹ thuật nhưng không truyền cảm, rung động, có hồn như nhạc Ta !» và ông thường nhếch môi cười, nụ cười mang một niềm kiêu hãnh nào đó…Ông hãnh diện về khám phá của mình, nhạc Tây không hay, không có hồn bằng nhạc Ta. (một dấu hiệu khác của tay tài tử thứ thiệt : chú trọng đến phần hồn, phần cảm xúc trong nghệ thuật)

 

Có lẽ cũng vì nụ cười mang nhiều kiêu hãnh của ông đó mà tôi được biết có nhiều người trong làng nhạc không thích ông ngoại tôi. Thực ra, dù chỉ là một tay đàn tài tử mà tài nghệ của ông được trân trọng ở trường nhạc như thế thì phải có sự ganh tị với các tay đàn tài tử khác thôi. Mà ông ngoại tôi thì cũng thẳng tính lắm, hay thì khen, dở thì chê, không giả dối, thế thì ngưòi bị chê, ai mà chẳng ghét ! Nhưng tôi biết các học trò thì rất thương và kính nể vì ông vừa giỏi vừa tận tâm.

Khi ông chê nhạc Tây kỹ thuật mà không hồn thì tôi cũng…không đồng ý và bằng lòng chút nào nhưng thuở đó tôi chỉ là con nít và ông là ông ngoại mình nên tôi chỉ biết cúi đầu nghe và…để bụng !

 

Gặp nhau ở trường nhạc, hai góc, hai phương trời đối lập, nhạc Tây và nhạc Ta, hai ông cháu thường chỉ nhìn nhau mỉm cười !

Dường như ngày ngày tôi trau dồi kỹ thuật thì đêm đêm ông lặng mình trong cảm xúc, tình tự sâu thẳm, tế nhị của con tim.

 

Tiếng Tỳ Bà trong đêm thanh vắng nghe sao mà huyền bí, thâm trầm. Tiếng đàn không quyến rũ đưọc tôi vì trái tim tôi đã chạy theo…anh chàng Tây rồi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nơi tiếng nhấn, tiếng rung, những ngón tay bấm lên đó, chuyển tải một nỗi buồn cô liêu đến rợn lòng. Điểm thêm một nét gì rất quí phái sang trọng làm tôi mường tượng đến những hoàng hậu, công chúa hay cung phi mỹ nữ trong các hậu cung bí ẩn, tay ôm cây đàn, mái tóc nghiêng xỏa, và giọt lệ tuôn tràn !

Phải chăng cung vua có gì vui và phận hồng nhan chắc có phần bạc mệnh ?! Tiếng tỳ bà nói lên sự chịu đựng và chấp nhận số phận an bày ?

Nàng Kiều hẳn đã ôm cây đàn tỳ bà tỏ tình cùng Kim Trọng và rồi cuộc đời của nàng đã lao đao suồt mười lăm năm trời. Tiếng tỳ bà đã vang lên báo hiệu cho một định mệnh ?

Sẳn mang một tâm hồn nổi loạn, không chịu sự tù túng, an thường thủ phận, nên âm hưởng của nhạc tây phương hấp dẫn tôi hơn là tiếng tỳ bà trầm trầm, quá ư nhẹ nhàng…

Ông ngoại tôi là một bậc nam nhi mà nâng niu cây đàn với phong cách

dịu dàng quí phái như một nữ nhi thì chắc chắn tâm hồn của ông phải thật là nhậy cảm, tình cảm ướt át ! Nhưng tôi nghĩ cuộc đời của ông không buồn như tôi tưởng tượng hình ảnh các giai nhân ở hậu cung thăm thẳm. Khuôn mặt của ông thì vui vẻ với nụ cười mĩm. Tôi nghĩ ông là người biết sống và tận hưởng cuộc đời. Tôi thường thấy ông đạp xe đạp với một vẻ rất ung dung, nhàn hạ, lúc đánh cờ, lúc hòa đàn ở nhà bạn. Áo quần lúc nào cũng tươm tất, bảnh bao, quần tây, sơ mi chứ không phải là áo dài khăn đóng như các cụ xưa, tóc thì cũng hớt ngắn chứ không phải có búi tóc như mấy cụ đồ, mà ông lại thích ăn cơm tây nữa chứ, ông cao lớn và đẹp lão, nói tiếng Tây giỏi, đã từng đi Tây, dạo phố Paris, có người gọi ông là ông Tây.

Một hai năm trước biến cố Mậu Thân, tôi vẫn còn ở Huế dù gia đình đã dọn vào Sàigòn, tôi ở nội trú Jeanne D’Arc, và cứ vào mỗi cuối tuần thì tôi ghé thăm ông ngoại, cùng ăn cơm với ông. Ông thích jambon, fromage « lủng lỗ » (gruyère) mua từ tiệm chuyên bán đồ nhập từ bên Tây. Nhưng đặc biệt, tôi thuờng được ông cho ăn …nước mắm kho ! Tự ông khuấy nước mắm với đường cho « kẹo » lại, sền sệt mà ăn với cơm trắng, nóng hổi thì tuyệt. Chỉ có chừng đó cũng đủ ngon không cần thêm món gì, ba chén cơm là tôi no bụng ! Nói thế không phải là chỉ có nưóc mắm kho mà thôi, lẽ dĩ nhiên là có các món khác nhưng tôi không nhớ vì không đặc biệt.

Mỗi lần ăn cơm với ông thì chẳng có chuyện gì nói, vì tôi con nít, chưa biết nói chuyện mà ông thì chỉ nghe radio, những bài ca Huế, mà chắc chắn là có những sáng tác của ông. Chất nước mắm kho và những bài ca Huế đã thấm đậm trong người tôi nhưng tâm hồn tôi vẫn tha thiết…yêu chàng nhạc Tây !

Tình ông cháu thì chỉ có bấy nhiêu, những bữa cơm thật đơn sơ mà hình như hai phần số hai cuộc đời có gặp nhau ở một điểm nào đó…

Tôi chỉ thực sự biết ông ngoại mình là khi tôi vào nhạc viện Huế, lúc mười, mười hai tuổi, và ông ngoại tôi cũng được mời vào dạy cùng thời điểm này, trước Mậu Thân, lúc mười bảy tuổi thì tôi rời Huế vào Sàigòn cùng gia đình sum họp, sau đó chỉ hai năm là tôi du học, tôi không hề gặp lại ông ngoại tôi cho đến ngày ông mất. Tôi chỉ nghe anh chị kể lại, sau 75 ông mới vào Sàigòn và ở chung với cha mẹ, bà ngoại tôi. Ông đã bắt đầu nhuốm bịnh, hơn tám mươi tuổi, vẫn ôm cây đàn và ăn uống theo sở thích, có lẽ vẫn còn món nước mắm kho, cha tôi rầy, khuyên ông không nên ăn mặn, ông cười : «  có khó gì, ta cứ ăn ngọt vô là cân bằng ! » cho đến ngày ông mất, nhẹ nhàng trong giấc ngủ, như đang mơ, có lẽ tiếng tỳ bà đã tiễn ông đi…

 

Điều gì đã làm tôi thường nhớ tới ông ? Phải chăng nhớ tới ông cũng là…nhớ tới mình ! Quá tệ ! Hai ông cháu cùng sáng tác, cùng sống trong cô đơn. Ông sáng tác nhiều mà giờ đây dường như chẳng còn dấu vết, gia đình đang còn tìm kiếm thu thập nhưng không dễ, không còn ai nhắc đến ông, một tài tử thứ thiệt. Tôi cũng sáng tác nhiều và để…mốc meo với thời gian ! (tài tử thứ thiệt thì phải chịu sống trong cô đơn)

Và nhớ thêm một chi tiết, tôi biết ông có nỗi cô đơn của người tài tử trở thành chuyên nghiệp và của người tự học, theo thế hệ xưa, mà mọi chuyện đã bắt đầu Tây hóa. Có lần ông nhờ tôi chỉ cách đọc các nốt nhạc, lối ký âm theo Tây phương mà ông không hề được học, ông rất chịu khó, mần mò tìm hiểu lý thuyết âm nhạc Tây phương (dấu hiệu khác của một tài tử thứ thiệt : làm gì cũng làm tới nơi, trọn vẹn). Tôi chỉ cho ông do, ré, mi thì ông chỉ cho tôi họ, xự, xàng, xê…Tây và Ta lại gặp nhau.

Có lần ông than thở : “mình phải học cho biết kẻo lớp trẻ theo Tây học nó khinh !"

Còn nhỏ, tôi chẳng hiểu sâu xa về câu nói này, lớn lên mới hiểu thế nào ông cũng bị lớp đồng nghiệp trẻ, theo Tây học, được đào tạo bài bản, nặng vể kỹ thuật, không đánh giá đúng tài năng của ông, không thấy được cái hồn trong ngón đàn của ông, thế nào cũng xảy ra những xung đột giữa hai thế hệ già, trẻ, mới, cũ, Tây và Ta. Nỗi cô đơn của ông là phải sống giữa những thành kiến, luôn luôn có trên đời, ở khắp mọi lãnh vực, mà nhậy cảm nhất, tế nhị nhất lại là tâm hồn người nghệ sĩ.

Đến đây tôi xin mở ngoặc để kể một câu chuyện không liên quan đến ông ngoại tôi. Chỉ là câu chuyện xảy ra vào thời gian tôi còn ở nội trú bà xơ ở Huế và thường cuối tuần thì về thăm ông.

Thuở ấy tôi có một người bạn cùng lớp là Liên, cháu ruột của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, cùng dạy với ông ngoại tôi ở trường nhạc, cùng bộ môn đàn tranh, nhạc dân tộc. Liên cũng có tài đàn tranh và ca hát, nhất là khi Liên bắt chước hát và múa như trong các phim Tàu thịnh hành thời bấy giờ. Vừa hát vừa múa một đoạn Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài là tôi ngơ ngẩn cả người ! Chơi thân nhất trong bọn nội trú với tôî thì có Liên, Hoa và An. Tuy cũng là bà xơ Jeanne D’arc nhưng chúng tôi lại được ở trong một ngôi nhà nhỏ kế bên trường chứ không nằm trong khuôn viên trường. Bấy giờ các ma xơ trong nội trú này có nuôi một đàn vịt, ngồi trong phòng « étude » thì chúng tôi thường hay thấy bầy vịt này « cạp cạp » nhao nháo dạo quanh sân. Chẳng có tội tình gì. Thế mà chẳng hìểu ma xui quỉ khiến như thế nào, bỗng trong đầu tôi nảy sinh ý tưởng thử bắt một con vịt chơi ! Cả đời tôi chưa đụng đến …lông một con gà con vịt, nói chi bắt vịt. Tôi cũng muốn thử nghiệm xem bắt vịt như thế nào. Chắc cũng vui. Thế là tôi hô hào ba đứa bạn kia và tụi nó đồng hưởng ứng. Đuổi vịt chạy te te rồi rượt theo tóm cổ chúng. Tưởng là dễ mà không dễ ! Chưa từng bắt gà bắt vịt mới thấy chuyện này là đại chi khó ! Rượt chúng chạy thì dễ nhưng khi chúng vừa chạy vừa kêu la inh ỏi lên thì lại hoảng sợ không dám túm cổ chúng nữa. Thì ra người đi bắt vịt lại còn sợ vịt hơn cả mấy con vịt sợ người. Thế rồi trong bọn tôi, có Hoa là từng ở nhà quê, nên cũng biết « chút đỉnh » chuyện bắt gà bắt vịt và là đứa ít sợ nhất trong đám, nên Hoa đã tóm cổ được một con vịt nhưng chắc là cũng chẳng…nhà nghề gì mấy, nó siết cổ con vịt quá mạnh lại còn « vặn vẹo » thêm vài vòng cho chắc ăn nên con vịt chết ngay tại chỗ !

Bỗng dưng trở thành sát nhân « giết vịt » Hoa và bọn tôi không ngờ hậu quả đến như vậy, chỉ tính đuổi chúng chạy, chụp bắt cho vui rồi thả chúng, đâu có giết chóc chi, nhưng rồi tai họa bất ngờ xảy đến, chúng tôi chụm đầu tìm một giải pháp để thủ tiêu xác nạn nhân. Liên bỗng nghĩ ra giải pháp tuyệt vời, cứu vãn tình thế nguy cơ : đem biếu con vịt cho cô cậu ruột của Liên, vợ chồng Thầy Nguyễn Hữu Vấn, em ruột nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà ở không cách xa chỗ nội trú của chúng tôi. Hay quá ! Thế là bốn chúng tôi gói ghém con vịt và thẳng đường đến nhà thầy Vấn, thật bất ngờ, nhưng cô thầy cũng tiếp chúng tôi thật niềm nở, vui vẻ. Khi chúng tôi xách con vịt ra biếu thì cô Vấn nhanh nhẩu nói : « Vậy các cháu ở lại cùng ăn cháo vịt, ngồi chơi chờ cô nấu xong cả nhà củng ăn mới vui !»

Bọn chúng tôi ríu rít « dạ dạ, cám ơn cô » rồi nhìn nhau, trong lòng cũng hí hửng !

Thế là ngay chiều hôm đó chúng tôi được ăn một bữa cháo vịt ngon chưa từng thấy, thật tuyệt vời qua bàn tay nấu nướng khéo léo của cô Vấn.

Lúc vào bàn ăn, tự nhiên cô ấy nói : « Không hiểu mấy cháu mua con vịt ni ở chợ mô mà hắn chết rồi, cái cổ lại vặn vẹo kỳ cục quá !»

Chúng tôi không đứa nào dám mở miệng.

Trở về nội trú, tưởng là yên ổn sau khi đã thủ tiêu con vịt thật « ngon lành » nhưng chúng tôi đã tưởng…bở, về đến nơi là bị xơ giám đốc kêu lên hạch tội, tất nhiên là chúng tôi không thể chối cãi. Bọn tôi bị xơ đuổi ra khỏi nội trú nhưng cho chúng tôi thời gian để sắp xếp. Lại chụm đầu tìm một giải pháp. Lần này thì tôi đã cứu cả đám ra khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Số là bấy giớ căn nhà của cha mẹ tôi ở cửa Thượng Tứ đang để trống, cả nhà đã dọn đi Sàigòn, chỉ có người quản gia là Mụ Lớn trông coi. Tôi liền đem cả bọn về đó tạm trú, học thi tú tài phần một. Ngày ngày Mụ Lớn cơm nước giặt giũ cho chúng tôi, thay vì trả tiền nội trú, chúng tôi chỉ hùn nhau tiền ăn, ăn còn ngon hơn cả nội trú, và góp tiền cho Mụ Lớn bỏ túi tiêu xài, cũng như trả công cho Mụ chăm sóc chợ búa cơm nước cho chúng tôi. Hai tháng ở đây cũng là hai tháng trời vui nhất của quãng đời niên thiếu chúng tôi. Sau đó thì chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi và tôi thực sự rời xa Huế.

 

Trở lại với ông ngoại tôi. Những tháng năm ngắn ngủi mà tôi có dịp gần ông thì thật êm đềm nhẹ nhàng, không có biến cố gì đáng kể. Tôi đã may mắn rời Huế trước Mậu Thân khốc liệt.

 Mỗi khi nhớ đến ông thì hình ảnh chiếc xe đạp, mấy cây đàn, căn phòng nhỏ lại hiện ra trong trí óc. Câu nói : « Nhạc Tây nhiều kỹ thuật, không truyền cảm, có hồn như nhạc Ta » vẫn đeo đuổi theo tôi. Cho dù không đồng ý với ông về việc phân chia nhạc Tây nhạc Ta, còn nhỏ và non nớt, tôi không biết làm thế nào để « đối đáp » với ông, nhưng chắc chắn là tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của ông, âm nhạc hay bất cứ một nghệ thuật nào đều phải có hồn mới đạt đến đỉnh cao của cảm xúc. Không hồn thì không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể làm rung đông lòng người thưởng thức.

Thế nhưng cái Hồn là gì ? Là tất cả ! Là tinh anh, là tinh khí thần, là linh hồn. Người nghệ sĩ bỏ cái Hồn của mình vào sự sáng tạo, không cần lý trí, chỉ có trực giác, chỉ có cảm xúc, không cần ý thức, chỉ có vô thức cảm nhận sâu xa, tinh vi, tế nhị, những nỗi niềm, những tâm tư, làm rung động từng tế bào, từng hơi thở, từng nhịp tim. Cái Hồn này cưu mang một trái tim bao la rộng lượng, cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu, không chờ đợi, không mong mỏi, không tính toán so đo. Gọi là có Hồn phải chăng là sống trọn vẹn từng giây từng phút, tất cả đều sống động, chân tình, không giả dối, thiết tha, không gượng gạo giả vờ. Tất cả đều hồn nhiên. Vui buồn thương ghét giận hờn. Mọi cảm xúc đều hồn nhiên. Là như vậy. Tự nhiên. Không biết đóng trò. Chỉ biết sống. Sống với gì THẬT, LÀ , ĐANG LÀ. Có Hồn là có một thực tại hoàn toàn đang Sống. Sống hòa nhập với tất cả mọi chuyển động của vũ trụ.

Một tác phẩm có hồn thì không bao giờ chết. Không thể chết. Sáng tạo là đẩy lùi cái chết. Người nghệ sĩ đã gởi gắm cái hồn trong tác phẩm. Người nghệ sĩ có thể chết bình an. Tác phẩm nghệ thuật đã kéo dài mạng sống rồi.

 

Tôi viết bài này trong lúc mọi người đang tưng bừng kỳ niệm 250 năm

của Mozart. Mozart đã sống rất ngắn ngủi nhưng tác phẩm của ông đã kéo dài mạng sống của ông rồi. Cái hồn của ông đi khắp hoàn cầu thế giới. Dù ông đã chết trong nghèo khổ nhưng ngày nay biết bao người sống nhờ vào tác phẩm của ông để lại. Người nghệ sĩ đã dâng hiến hết cho cuộc đời không so đo. Đó là cái hồn vĩ đại của người nghệ sĩ. May mắn thay cho Mozart, những tác phẩm của ông được trân trọng và lưu giữ mãi ở đời.

 

Ông ngoại tôi mất đi. Các tác phẩm của ông cũng mất theo ông. Có mấy ai còn nhớ đến ông và ngón đàn có hồn, tài tình của ông ? Chắc chắn là có, nhưng số người quá ít ỏi, hiếm hoi.

Cái cảm nhận ngày nào xa xưa bé nhỏ khi nghe tiếng đàn tỳ bà buồn cô liêu diệu vợi trong đêm thanh vắng từ căn phòng nhỏ, dường như có phần nào đúng…

 

                                   LêKhắc ThanhHoài

                                  Paris, Một tối mùa đông đón xuân Bính Tuất. ( 2006 )

 

Joomla templates by a4joomla